 |
Bảo dưỡng đường dây. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đúng kế hoạch, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với tổng công suất 4.000 MW tạm ngừng phục vụ để bảo dưỡng, nâng cấp thành 3 đợt. Đợt 1 kéo dài từ ngày 9/7 đến hết 14/7. Đợt 2 từ 29/8 đến 16/9, và đợt 3 từ 29/9 đến 30/9. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống điện quốc gia sẽ thiếu hụt 1.000 MW vào giờ cao điểm mỗi ngày do các tổ máy phát điện trong cụm Phú Mỹ không đảm bảo được nhiên liệu để hoạt động.
Cùng lúc này, hai sự cố liên tiếp xảy ra tại Nhà máy Phú Mỹ 2.2 (hôm 9/7) và Phú Mỹ 3 (hôm 7/7)... làm thiếu hụt thêm 720 MW. Sáng 9/7, các kỹ sư của Trung tâm điều độ Hệ thống điện lưới quốc gia (A0) đã chỉ đạo các điện lực địa phương lập tức tiết giảm khoảng 400 MW... Ông Ngô Sơn Hải, Phó giám đốc A0, khẳng định: "Chúng tôi sẽ huy động tối đa nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng đủ điện”.
Theo ông, việc dừng cung cấp khí của hệ thống khí Nam Côn Sơn không thể lùi hơn được nữa. Lẽ ra việc này đã phải thực hiện ngay trong tháng 6 nhưng tại thời điểm đó, nguồn cung ứng điện đã quá căng thẳng. Mức nước ở các hồ chứa thủy điện rất thấp nên A0 phải thỏa thuận với Công ty Petro Vietnam lùi việc bảo dưỡng, nâng cấp tuyến khí Nam Côn Sơn đến đầu tháng 7.
"Chúng tôi chỉ tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng chứ không ngừng hoàn toàn, vẫn có một lượng khí phục vụ cho một số nhà máy phát điện có công suất 1.000 MW. Các nhà máy với tổng công suất là 3.000 MW sẽ chuyển sang chạy dầu. Cùng với các giải pháp tăng cường tích nước các hồ, tôi tin vào thời điểm hiện tại, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vẫn đảm bảo cung ứng điện bình thường", ông Hải nói.
Theo Phó giám đốc A0, hai sự cố xảy ra với Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sẽ được giải quyết dứt điểm trong ngày 10/7, nếu EVN áp dụng tốt các biện pháp tiết kiệm điện thì cho dù đường ống Nam Côn Sơn tạm ngừng, điện vẫn đảm bảo đủ trên toàn quốc.
Để đảm bảo không xảy ra thiếu điện, A0 cũng đã phải điều chỉnh kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy điện khác trong hệ thống. Một số nhà máy như Nhiệt điện Uông Bí mở rộng đang chạy thử nghiệm nhưng A0 có yêu cầu là thực hiện phát luôn lên lưới (tổ máy 200 MW) để phục vụ cung ứng điện. "Có thể nói, thời điểm này, tình hình cung ứng điện chưa đến nỗi căng thẳng, trừ khi có sự cố liên quan đến các nhà máy dẫn khí xảy ra", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Anh, Phó tổng giám đốc EVN, cũng cho biết đã sẵn sàng các phương án để hạn chế thấp nhất tình trạng cắt điện. Trong trường hợp cần thiết, điện lưới không đủ cung ứng sẽ áp dụng giải pháp ưu tiên cho điện sản xuất còn khu vực sinh hoạt sẽ được cắt giảm luân phiên.